NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT CỦA HAI LOÀI HUPERZIA,

HỌ THÔNG ĐẤT (LYCOPODIACEAE)

NGUYỄN QUANG HIỆU, NGUYỄN THANH TÙNG

VŨ THU THỦY, NGUYỄN VIẾT THÂN

Đại học Dược Hà  Nội

TÓM TẮT:

Nghiên cứu hai loài huperzia thu hái tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) bằng phương pháp mô tả đặc điểm hình thái và đặc điểm hiển vi thường qui. Tên khoa học hai mẫu nghiên cứu được xác định là Thạch tùng răng cưa [Huperzia serrata (Thunb.) Trevis.] và Thạch tùng sóng [Huperzia carinata (Desv. ex Poir.) Trevis.], thuộc họ Thông đất (Lycopodiaceae). Những kết quả nghiên cứu về đặc điểm hình thái, đặc điểm hiển vi của dược liệu là cơ sở dữ liệu để có thể kiểm nghiệm dược liệu ở cả dạng tươi, khô và bột của hai loài Huperzia này tại Việt Nam.

Từ khóa: Thạch tùng răng cưa, Thạch tùng sóng, Huperzia serrata, Huperzia carinata, đặc điểm hình thái, đặc điểm hiển vi

ABSTRACT:

 Studying on two Huperzia species collected in Tam Dao (Vinh Phuc) by the method of morphological and microscopical characteristics. The scientific names of two species were identified Huperzia serrata (Thunb.) Trevis. and Huperzia carinata (Desv. ex Poir.) Trevis., belonging to family Lycopodiaceae. The results of studying on morphological and microscopical characteristics were database to test the pharmacognosy of two species of Huperzia in Viet Nam.

Keywords: Huperzia serrata, Huperzia carinata, morphological characteristics, microscopical characteristics.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ.

Alzheimer là bệnh thoái hóa cả não bộ không hồi phục, gây nên chứng sa sút trí tuệ và mất trí nhớ dần dần dẫn tới suy giảm chức năng và rối loạn hành vi. Trong những năm gần đây, nhiều loại dược liệu đã được ứng dụng có hiệu quả trong điều trị đối với bệnh Alzheimer trong đó có các loài thuộc chi Huperzia.

Chi Huperzia Bernh. là chi lớn nhất trong họ Thông đất ở Việt Nam theo các tác giả Võ Văn Chi [1], Phạm Hoàng Hộ [2] và Phan Kế Lộc [3] đã phát hiện có 10 loài thuộc chi này. Trong đó, một số loài phân bố nhiều tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Đây là những loài được đánh giá có tiềm năng sử dụng trong điều trị nhiều bệnh như Alzheimer, Parkinson, sưng phồng, đòn ngã tổn thương, ngoại thương xuất huyết, tâm thần phân liệt và bệnh nhược cơ ở các nước Đông Á  

Đây là các loài cây thuốc quý nhưng chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ. Để giúp nhận biết cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm nghiệm dược liệu để nghiên cứu sâu hơn về các loài thuộc chi Huperzia tại Việt Nam, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đặc điểm thực vật và đặc điểm hiển vi của hai loài Huperzia này.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.

2.1. Đối tượng nghiên cứu:

Mẫu dược liệu tươi bao gồm toàn cây của hai loài Huperzia được thu hái tại Tam Đảo trong tháng 9 - 10 năm 2016. Các mẫu tươi được phơi sấy khô, cho vào các túi PE đóng kín, để nơi thoáng mát, khô ráo.

Mẫu được giám định tên khoa học, lưu mẫu tại Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Thiết bị nghiên cứu: dụng cụ cắt vi phẫu cầm tay, thuyền tán, bộ rây, tủ sấy Shellab, kính hiển vi, máy chụp ảnh chuyên dụng.

2.2. Phương pháp nghiên cứu: sử dụng phương pháp nghiên cứu hiển vi thường qui.

- Quan sát đặc điểm hình thái: mô tả hình thái (quan sát, chụp ảnh cây tại thực địa, phân tích, chụp ảnh cơ quan sinh sản, giám định tên khoa học của cây).

- Làm vi phẫu và soi bột dược liệu:

+ Vi phẫu: dược liệu tươi hay khô đã ngâm mềm cắt ngang bằng dụng cụ cắt vi phẫu cầm tay, chọn các lát cắt mỏng. Tẩy các lát cắt bằng nước Javen hay dung dịch cloramin (20-30 phút). Rửa bằng nước cất. Ngâm acid acetic 5% (15-30 phút). Rửa bằng nước cất 3 lần. Nhuộm vi phẫu bằng xanh methylen (1-2 phút). Rửa bằng nước cất. Nhuộm đỏ bằng son phèn (2-10 phút). Rửa bằng nước cất. Lên tiêu bản trong glycerin, quan sát trên kính hiển vi, chọn các phần điển hình để chụp ảnh.

+ Đặc điểm bột: dược liệu tán thành bột, rây qua rây số 150µm. Làm tiêu bản trong nước, quan sát trên kính hiển vi, chọn các đặc điểm điển hình để chụp ảnh. Ảnh các đặc điểm bột được tập hợp thành nhóm theo độ phóng đại.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU.

3.1. Hình thái thực vật:

3.1.1. Thạch tùng răng cưa:

Cây thảo mọc ở đất, cao 10-25cm. Thân mọc đứng, đơn hay lưỡng phân 1-2 lần, đường kính khoảng 2mm, hình trụ. Lá hình thon hẹp (bầu dục - mũi mác), dài 15mm, rộng 3mm, tương đối mỏng, gân giữa rõ, mép có răng cưa không đều. Túi bào tử ở nách lá giống lá thường; túi bào tử hình thận màu vàng tươi.

Loài này phân bố rải rác tại các tỉnh vùng trung du và vùng núi cao ở Việt Nam, thường mọc thành đám nhỏ trên đất ẩm có tầng dày và nhiều mùn hay trên gốc cây có nhiều rêu trong rừng rậm thường xanh (Hình 1).

Căn cứ vào các tài liệu phân loại thực vật: Từ điển cây thuốc Việt Nam [1],  Cây cỏ Việt Nam [2], Danh lục các loài thực vật Việt Nam [3], cùng với sự tư vấn của TS. Nguyễn Quốc Bình (Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chúng tôi xác định tên khoa học của mẫu nghiên cứu là Huperzia serrata (Thunb.) Trevis. thuộc họ Thông đất (Lycopodiaceae).

 

Hình 1. Cây Thạch tùng răng cưa [Huperzia serrata (Thunb.) Trevis.].

1. Ảnh chụp tại thực địa; 2. Phần ngọn của cây; 3. Lá; 4. Túi bào tử mọc ở nách lá; 5,6. Túi bào tử đã mở; 7. Túi bào tử hình thận.

3.1.2. Thạch tùng sóng:

Cây thảo phụ sinh, thân có rãnh treo thõng, dài 25-100 cm, 1-4 lần lưỡng phân đều, thân to 2mm. Lá hình tam giác nhọn, hơi mọng nước, không cuống, nguyên, dài 8-10mm, rộng 1,5-2mm, hơi lõm dọc ở phía trong hướng lên trên. Bông nằm ở ngọn cành, không phân nhánh, các lá bào tử giống với lá thường nhưng ngắn hơn và rộng hơn. Túi bào tử ở nách lá, hình thận màu xanh đến vàng tươi, mở thành 2 mảnh bằng nhau.

Loài này gặp ở nhiều nơi ở Việt Nam, ưa ẩm và chịu bóng, mọc bám chủ yếu trên cây gỗ trong rừng rậm thường xanh, rừng thứ sinh (Hình 2).

Căn cứ vào các tài liệu phân loại thực vật: Từ điển cây thuốc Việt Nam [1],  Cây cỏ Việt Nam [2], Danh lục các loài thực vật Việt Nam [3], cùng với sự tư vấn của TS. Nguyễn Quốc Bình (Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam),  chúng tôi xác định tên khoa học của mẫu nghiên cứu là Huperzia carinata (Desv. ex Poir.) Trevis. thuộc họ Thông đất (Lycopodiaceae).

 

Hình 2. Cây Thạch tùng sóng [Huperzia carinata (Desv. ex Poir.) Trevis.]

1. Ảnh chụp tại thực địa; 2,3. Thân mang lá thẳng hoặc phân nhánh; 4. Phần gốc sống phụ sinh; 5. Gốc; 6. Lá; 7,8. Túi bào tử ở nách lá; 9. Túi bào tử hình thận.

3.2. Vi phẫu:

3.2.1. Thạch tùng răng cưa:

Vi phẫu thân (Hình 3): Vi phẫu gần như tròn. Ngoài cùng là biểu bì (1) gồm 1 lớp tế bào hình bầu dục kích thước không đều, vách mỏng, uốn lượn, phía ngoài phủ cutin. Mô cứng (2) gồm các tế bào hình bầu dục, kích thước không đều nhau, xếp thành 3-4 lớp dưới biểu bì. Mô mềm (3) gồm các tế bào hình bầu dục, kích thước không đều nhau. Bó libe-gỗ nằm ở chính giữa, hình tròn với các mạch gỗ (6) tạo thành hình tam giác, đỉnh quay vào trong, nối liền với các mạch gỗ khác hoặc tách rời. Libe (7) bao quanh gỗ. Phía ngoài bó libe-gỗ là 2-3 hàng tế bào mô mềm thành hóa gỗ (5). Rải rác trong mô mềm có các mạch gỗ nhỏ (4).

Vi phẫu lá (Hình 5): Gân lá có biểu bì trên (1) và biểu bì dưới (5) hơi lồi. Phía ngoài biểu bì có phủ cutin. Mô mềm (2) gồm các tế bào hình bầu dục, kích thước không đều. Bó gỗ (4) ở trung tâm, hình tròn, bao quanh bởi 2-3 hàng tế bào thành hóa gỗ (3), tạo thành hình tròn đường kính bằng 1/6 đến 1/7 khoảng cách lớn nhất giữa hai lớp biểu bì.

3.2.2. Thạch tùng sóng:

Vi phẫu thân (Hình 4): Vi phẫu có hình tròn. Ngoài cùng là biểu bì (1) có vách thành hình nhiều cạnh, gồm 1 lớp tế bào vách dày, uốn lượn, phía ngoài phủ cutin. Mô cứng (2) gồm các tế bào hình bầu dục, kích thước không đều nhau, xếp thành 3-4 lớp dưới biểu bì. Mô mềm (3) gồm các tế bào hình trứng, sắp xếp lộn xộn, kích thước không đều nhau. Bó libe-gỗ hình tròn với các mạch gỗ (7) tạo thành hình tam giác, đỉnh quay vào trong, nối liền với các mạch gỗ khác tạo hình bánh xe hoặc tách rời. Libe (6) bao quanh gỗ. Phía ngoài bó libe-gỗ là 2-3 hàng tế bào mô mềm thành hóa gỗ (5). Rải rác trong mô mềm có các mạch gỗ nhỏ (4).

Vi phẫu lá (Hình 6): Gân lá có biểu bì trên (1) hơi lõm, biểu bì dưới (5) hơi lồi. Phía ngoài là 1 lớp cutin dày bao quanh biểu bì. Mô mềm (2) gồm các tế bào hình đa giác, kích thước không đều nhau. Bó gỗ (3) bao quanh bởi 2-3 hàng tế bào thành hóa gỗ tạo thành hình tròn đường kính bằng 1/2 khoảng cách lớn nhất giữa hai lớp biểu bì.

        

 

Hình 3: Vi phẫu thân Thạch tùng răng cưa

1. Biểu bì, 2. Mô cứng, 3. Mô mềm, 4. Mạch gỗ, 5. Tế bào thành hóa gỗ, 6. Gỗ, 7. Libe

Hình 4: Vi phẫu thân Thạch tùng sóng

1. Biểu bì, 2. Mô cứng, 3. Mô mềm, 4. Mạch gỗ, 5. Tế bào thành hóa gỗ, 6. Libe, 7. Gỗ

 

 

Hình 5: Vi phẫu lá Thạch tùng răng cưa

1. Biểu bì trên, 2. Mô mềm, 3. Tế bào thành hóa gỗ, 4. Gỗ, 5. Biểu bì dưới

Hình 6: Vi phẫu lá Thạch tùng sóng

1. Biểu bì trên, 2. Tế bào thành hóa gỗ, 3. Gỗ, 4. Mô mềm, 5. Biểu bì dưới

3.3. Đặc điểm bột:

3.3.1. Thạch tùng răng cưa:

Bột màu nâu xám, không mùi, vị nhạt. Quan sát trên kính hiển vi thấy: Các mảnh mô (1), Mảnh mô mềm (2), Lỗ khí (3), Mảnh biểu bì mang lỗ khí (4), mảnh biểu bì vách tế bào uốn lượn (5). Rải rác có các bào tử hình cầu hoặc khối tam giác hơi lõm (6), Tinh thể calci oxalat hình khối (7), các mảnh túi bào tử có các tế bào nhỏ, đặc biệt (8), có nhiều mảnh mạch (9) (Hình 7).

Hình 7. Một số đặc điểm bột Thạch tùng răng cưa

 1. Mảnh mô; 2. Mảnh mô mềm; 3. Lỗ khí; 4. Mảnh biểu bì mang lỗ khí; 5. Mảnh biểu bì thành tế bào uốn lượn;  6. Bào tử; 7. Tinh thể calci oxalat hình khối. 8. Mảnh vỏ túi bào tử; 9. Mảnh mạch.

  

3.3.2. Thạch tùng sóng:

Bột màu vàng nâu, không mùi, vị nhạt. Quan sát trên kính hiển vi thấy: Những mảnh biểu bì thành thẳng (1), có nhiều lỗ khí (2) và mảnh biểu bì mang lỗ khí (3), mảnh mô mềm (4), mảnh biểu bì thành thành mỏng cấu tạo đứt đoạn (5); Mảnh biểu bì thành dày, uốn lượn (6,7). Rải rác có các mảnh mạch hình thang (8), các bó mạch (9), nhiều bào tử hình cầu hoặc bán cầu, hơi dẹt (10), mảnh mô mang tinh thể calci oxalat hình khối (11). nhiều tinh thể calci oxalat hình khối (12),

 

Hình 8. Một sô đặc điểm bột Thạch tùng sóng

1. Mảnh biểu bì gân lá; 2. Lỗ khí; 3. Mảnh biểu bì mang lỗ khí; 4. Mảnh mô mềm; 5. Mảnh biểu bì thành mỏng; 6,7. Mảnh biểu bì thành dày, uốn lượn; 7. Mảnh mô mềm mang mảnh mạch; 8. Mảnh mạch hình thang; 9. Bó mạch; 10. Bào tử; 11. Mảnh biểu bì mang tinh thể;12. Tinh thể calci oxalat hình khối;

4. BÀN LUẬN.

Hai loài Huperzia nghiên cứu có nhiều điểm khác biệt cả về đặc điểm hình thái cũng như đặc điểm hiển vi. Cụ thể như sau:

Đặc điểm

Thạch tùng răng cưa

[H. serrata (Thunb.) Trevis.]

Thạch tùng sóng

[Huperzia carinata (Desv. ex Poir.) Trevis.]

Hình thái

Dạng sống

Mọc ở đất có nhiều mùn

Cây sống phụ sinh

Hình thon hẹp (bầu dục - mũi mác), mép có răng cưa, có cuống

Hình tam giác nhọn, mép nguyên, không có cuống

Thân

Mọc đứng, lưỡng phân 1-2 lần

Thân treo thõng, lưỡng phân 1-4 lần

Vi phẫu

Thân

Biểu bì thành mỏng

Biểu bì thành dày

Gân lồi đều ở hai phía

Biểu bì trên hơi lõm, biểu bì dưới hơi lồi

Bột

Bào tử

Hình tam giác hơi lõm ở ba cạnh

Hình bán cầu hoặc tam giác lồi ở ba cạnh

Kết luận

Dựa trên đặc điểm hình thái, đã xác định tên khoa học hai mẫu nghiên cứu là Thạch tùng răng [Huperzia serrata (Thunb.) Trevis.] và Thạch tùng sóng [Huperzia carinata (Desv. ex Poir.) Trevis.],thuộc họ Thông đất (Lycopodiaceae). Có thể phân biệt hai loài Huperzia này ở dạng tươi, khô, dạng bột bằng đặc điểm hình thái, vi phẫu và bột dược liệu. Các đặc điểm này là cơ sở dữ liệu để kiểm nghiệm dược liệu hai loài Huperzia này tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (Bộ mới), NXB Y học,  tập II, trang 565, 813.

2. Phạm Hoàng Hộ (1999), Cây cỏ Việt Nam, NXB trẻ, quyển 1, trang 22, 26.

3. Phan Kế Lộc (2001), Danh lục các loài thực vật Việt Nam, NXB Nông nghiệp Hà Nội, tập I, trang 951-953.

4. Võ Văn Chi - Trần Chi (1999), Cây cỏ có ích ở Việt Nam, NXB Giáo dục, tập I, trang 55, 56.

5. Yumkham S.D. and Singh P.K. (2012), A Novel Way for Propagation of Huperzia , Notulate Scientia Biologiceae, 4(4), pp.27.

 

CÁC BÀI KHÁC

- Phương pháp sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao

- Identification of some commercial samples of Linh chi (Ganoderma) in the Vietnam market

- Sử dụng kính hiển vi phân cực trong kiểm nghiệm một số dược liệu

- Phương pháp sắc ký lớp mỏng

- Kiểm nghiệm dược liệu bằng phương pháp hiển vi

-------------------------------------------------------

Mọi thông tin liên quan đến trang web Xin vui lòng liên hệ theo số điện thoại 01234195602 hoặc theo địa chỉ Email: thannv@hup.edu.vn

Revised: September 01, 2017 .