1.1.  Kính hiển vi sinh học

1.2.  Kính hiển vi phản xạ

1.3.  Kính hiển vi phân cực

1.4.  Kính hiển vi huỳnh quang

1.5.  Kính hiển vi so sánh

1.6.  Kính hiển vi quan sát bằng màn hình

1.7. Chụp ảnh hiển vi

 

KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU BẰNG PHƯƠNG PHÁP HIỂN VI

về cuối trang

1. CẤU TẠO CƠ BẢN MỘT SỐ LOẠI KÍNH HIỂN VI DÙNG TRONG KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU

 Kính hiển vi xuất hiện từ khoảng đầu Thế kỷ XVII, cùng với sự phát triển của khoa học kính hiển vi ngày càng được hoàn thiện.  Sự ra đời hệ thống lý thuyết cơ bản về kính hiển vi của nhà khoa học người Đức Aphe đã tạo điều kiện thúc đẩy kỹ thuật sản xuất kính hiển vi tiến bộ rất nhanh. Kính hiển vi hiện đại ngày nay đã đạt được mức hoàn chỉnh gần với mức cao nhất mà lý thuyết cho phép. Để phù hợp với các công việc chuyên môn khác nhau người ta đã sản xuất ra nhiều loại kính hiển vi có tính chuyên dụng cao. Sau đây là một số loại kính hiển vi thường dùng trong nghiên cứu sinh học và trong kiểm nghiệm dược liệu.

1.1. Kính hiển vi sinh học

Kính hiển vi sử dụng trong học tập, xét nghiệm ở các bệnh viện thường có cấu tạo đơn giản. Kính có thể có một hoặc hai thị kính. Nguồn sáng có thể là đèn hoặc dùng gương để lấy ánh sáng từ ngoài (Hình 1.1).

CHÚ THÍCH

1. Thị kính

2. Lăng kính

3. Vật kính

4. Mâm kính

5. Tụ quang

6. Đèn chiếu sáng

7. Giá đỡ ống kính

8. Ốc điều chỉnh

Hình 1.1: Sơ đồ cấu tạo của kính hiển vi (kiểu LEICA DMLS).

1.2. Kính hiển vi phản xạ

Trong nhiều trường hợp khi quan sát các đối tượng không trong suốt (ví dụ: Khi kiểm nghiệm dược liệu bằng phương pháp vi hoá, nghiên cứu biểu bì của các lá có phiến dày, nghiên cứu huỳnh quang dược liệu v.v... ) cần phải chiếu sáng từ phía trên nghĩa là phải rọi ánh sáng vào bề mặt cần quan sát để kính hiển vi nhận ánh sáng phản xạ từ mặt ấy (ảnh 1.2.I trang 103). Loại kính hiển vi này được gọi là kính hiển vi phản xạ.

Về cấu tạo có nhiều kiểu kính hiển vi phản xạ khác nhau, ở một số kiểu đơn giản người ta đặt trong vật kính một gương phẳng nhỏ, hướng chếch 45o (hoặc một lăng kính phản xạ toàn phần cho che một nửa thị trường của vật kính). Từ bên ngoài ta rọi một chùm ánh sáng mạnh vào gương thì chùm sáng được nửa vật kính tương ứng hôị tụ vào bề mặt quan sát và sau khi phản xạ lại rọi vào nửa kia của vật kính để tạo ảnh của vật (Hình 1.2a).

CHÚ THÍCH

1. Nguồn sáng

2. Các thấu kính của nguồn sáng

3. Lăng kính

4. Các thấu kính của vật kính

5. Đối tượng được quan sát

6. Chùm sáng tới thị kính

Hình 1.2a: Sơ đồ cấu tạo vật kính và nguồn sáng của kính hiển vi phản xạ

 Trong một số kính hiển vi phản xạ kiểu mới hệ tụ sáng là một gương cầu nhưng phần giữa đươc khoét thủng để vật kính lọt qua vừa khít, chỉ còn lại một phần hình vành khăn. Khi được chiếu sáng từ bên dưới bằng một chùm sáng  song song thì gương hội tụ chùm đó vào mặt vật quan sát (Hình 1.2b). Vật quan sát có kích thước nhỏ được đặt trên một tấm kính, giữa một vòng tròn đen, vòng này chắn phần giữa của chùm ánh sáng chỉ để lại phần mép phủ vừa kín gương vành khăn. Đa số kính hiển vi phản xạ kiểu mới sử dụng nguồn sáng chiếu  qua các vật kính có cấu tạo và chất lượng khác nhau (Hình 1.2c).

 
Hình 1.2b. Vật kính hiển vi phản xạ kiểu mới nguồn sáng hướng từ tụ quang tới đối tượng   Hình 1.2c. Vật kính hiển vi phản xạ kiểu mới nguồn sáng hướng từ vật kính tới đối tượng

 

1.3. Kính hiển vi phân cực.

Kính hiển vi phân cực dùng để nghiên cứu các đối tượng bất đẳng hướng về mặt quang học, có nghĩa là ở các đối tượng này tính chất quang học không đồng nhất theo các hướng khác nhau. Về cơ bản cấu tạo kính hiển vi phân cực giống kính hiển vi thường, có thêm hai tấm kính phân cực (polaroit) một tấm được đặt ở trước tụ sáng, một tấm đặt trong ống kính giữa vật kính và thị kính. Khi cả hai tấm polaroit đặt vào trong kính nhìn vào kính thấy tối hơn. Xoay tấm kính trước tụ sáng thì thấy sáng hơn lên hoặc tối đi và có thể tìm thấy một vị trí cho ánh sáng gần tắt hẳn. Khi đó nếu đặt trên mâm kính một tiêu bản có các tinh thể calci oxalat ta sẽ thấy chúng hiện lên với màu sắc rất đẹp (hiện tượng phân cực hiện sắc). Kính hiển vi phân cực được sử dụng trong sinh học để nghiên cứu tế bào, tinh bột, các tinh thể  và một số thành phần khác của tế bào. Sử dụng kính hiển vi phân cực cho phép tăng thêm các dữ kiện (số liêụ), tăng độ tin cậy trong kiểm nghiệm dược liệu

1.4. Kính hiển vi huỳnh quang

Kính hiển vi huỳnh quang sử dụng để nghiên cứu huỳnh quang của những đối tượng nhỏ, phải nhìn dưới kính hiển vi. Trong thực vật dùng để nghiên cứu các mô, tế bào chứa các chất có huỳnh quang (huỳnh quang sơ cấp) hoặc các mô, tế bào được nhuộm bởi các thuốc nhuộm huỳnh quang (huỳnh quang thứ cấp). Phương pháp hiển vi huỳnh quang cũng như các phương pháp phân tích huỳnh quang nói chung có độ nhạy rất cao và đặc trưng, cho phép phát hiện một lượng rất nhỏ hoạt chất. Kính hiển vi huỳnh quang cho khả năng nghiên cứu cấu trúc giải phẫu của các đối tượng và đặc trưng phát huỳnh quang của các mô (ảnh 2.2b, 4.5b). Đặc tính ưu việt của kính hiển vi huỳnh quang là cho phép nghiên cứu không chỉ các lát cắt mỏng mà cả các lát cắt dày, lát cắt dược liệu khô không trong suốt. Phương pháp hiển vi huỳnh quang có thể giải quyết vấn đề xác định dược liệu, chất lượng dược liệu, vị trí các hoạt chất sinh học trong các mô, tế bào cây.

Nguồn sáng để nghiên cứu huỳnh quang là nguồn tia cực tím mạnh, để tạo ra nguồn này người ta thường sử dụng đèn thuỷ ngân, đèn thuỷ ngân thạch anh, các đèn này phát ra chùm sáng ở vùng xanh tím và ở gần vùng cực tím của phổ ánh sáng. Để tách ra những phần xác định của phổ từ nguồn sáng người ta sử dụng bộ kính lọc. Trong kiểm nghiệm dược liệu  có thể sử dụng các kính hiển vi huỳnh quang chuyên dụng hoặc kính hiển vi thông thường kết hợp với đèn chiếu huỳnh quang tạo thành hệ thống hiển vi huỳnh quang.

1.5.  Kính hiển vi so sánh

Về mặt cấu tạo gồm hai kính hiển vi giống nhau nhờ hệ thống lăng kính liên kết lại để có thể quan sát đồng thời trên một vi trường hai tiêu bản ở hai kính. Kính hiển vi này thuận tiện để so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa hai tiêu bản, thường sử dụng trong kiểm nghiệm mô hoá, vi hoá. Ngày nay dựa vào kỹ thuật chụp ảnh hiển vi và sử dụng camera người ta có thể ghi lại các hình ảnh để so sánh.

1.6.  Kính hiển vi quan sát bằng màn hình

Người ta ghép nối video camera vào kính hiển vi tạo thành các hệ thống quan sát được trên màn hình thuận lợi để nhiều người cùng quan sát. Cùng với sự tiến bộ của kỹ thuật số người ta đã tạo nên những kính hiển vi tự động, quan sát bằng màn hình vi tính, điều khiển bằng bàn phím và sử dụng các phần mềm chuyên dụng cho các công việc cụ thể.

1.7.  Chụp ảnh hiển vi

 Việc sử dụng các ảnh chụp qua kính hiển vi (ảnh hiển vi) để minh hoạ trong giảng dạy và nghiên cứu sinh học ngày càng phổ biến. Trong kiểm nghiệm dược liệu, ảnh hiển vi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì nó biểu thị một cách chính xác và khách quan đối tượng được kiểm nghiệm, tạo nên các tài liệu có tính chất pháp lý. Kỹ thuật chụp ảnh hiển vi tương đối đơn giản. Có thể sử dụng máy ảnh thông thường kết hợp với hệ thống nối lắp vào kính hiển vi để chụp ảnh. Chất lượng ảnh sẽ cao hơn, có ý nghĩa minh hoạ hơn khi sử dụng các kính hiển vi chụp ảnh chuyên dụng, kính hiển vi phản xạ, kính hiển vi phân cực, kính hiển vi huỳnh quang. Việc kết nối kính hiển vi với các máy ảnh kỹ thuật số làm cho độ phóng đại của kính hiển vi không bị cố định vào độ phóng đại của thị kính và vật kính.

CHÚ THÍCH

1. Thị kính

2. Lăng kính

3. Vật kính

4. Mâm kính

5. Tụ quang

6. Gương phản chiếu

7,8. Đèn chiếu sáng

9. Ốc điều chỉnh

10. Thân kính

Hình 1.7a. Sơ đồ cấu tạo kính hiển vi LEICA DMLB

Sự kết hợp của các loại kính hiển vi tạo nên những hệ thống hiển vi có nhiều chức năng và chất lượng cao (Hình 1.7a), kính hiển vi thuận tiện cho việc tiến hành các thao tác sinh học (Hình 1.7b).

CHÚ THÍCH

1. Thị kính

2. Lăng kính

3. Vật kính

4. Mâm kính

5, Gương

6, 7. Nguồn sáng

8. Ốc điều chỉnh

10. Thân kính

9. Máy ảnh

10. Giá đỡ

 

Hình 1.7b. Sơ đồ cấu tạo kính hiển vi LEICA DMIRB/E

(Trích từ sách Kiểm nghiệm dược liệu bằng phương pháp hiển vi)

về đầu trang

CÁC BÀI KHÁC:

 

- Kiểm nghiệm dược liệu bằng phương pháp hiển vi

- Identification of some commercial samples of Linh chi (Ganoderma) in the Vietnam market

- Sử dụng kính hiển vi phân cực trong kiểm nghiệm một số dược liệu

- Nghiên cứu đặc điểm thực vật của hai loài Huperzia

 

-------------------------------------------------------

Mọi thông tin liên quan đến trang web Xin vui lòng liên hệ theo số điện thoại 01234195602 hoặc theo địa chỉ Email: thannv@hup.edu.vn

Revised: August 31, 2017 .