SAPONINNỘI DUNG
DƯỢC LIỆU KHÁC Bồ kết Cam thảo Cam thảo dây Dứa Mỹ Khúc khắc Mạch môn Ngũ gia bì chân chim Nhân sâm Ngưu tất Rau má Tam thất Táo nhân Thiên môn Tỳ giải Viễn chí
|
(Radix Glycyrrhizae) Dược liệu là rễ hoặc thân rễ phơi hay sấy khô của cây Cam thảo (Glycyrrhiza uralensis Fisch.), hoặc Glycyrrhiza inflata Bat., Glycyrrhiza glabra L.), Họ Đậu (Fabaceae) Tên khác: Cam thảo bắc, Diêm cam thảo, Sinh cam thảo, Phấn cam thảo. Cây thảo, sống lâu năm, cao 0,3–1m. Rễ dài có màu vàng nhạt. Thân có lông mềm, ngắn. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 9–17 lá chét hình trứng, mép nguyên. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông, hoa màu tím nhạt, tràng hoa hình cánh bướm. Quả đậu, cong hình lưỡi liềm, dài 3 - 4cm, rộng 6-8mm, quả màu nâu đen, có lông dày, chứa 2-8 hạt nhỏ, dẹt, màu nâu bóng. Mùa hoa: tháng 6–7; mùa quả: tháng 8–9. Loài Cam thảo âu (Glycyrrhiza glabra L.) cũng được dùng với công dụng tương tự. Khác với Cam thảo ở chỗ lá chét thuôn dài, hoa màu nâu nhạt, quả rất dẹt, thẳng hoặc hơi cong, dài 2-3 cm, rộng 3-4 mm, nhẵn bóng hoặc có lông ngắn, số hạt ít hơn. Chi Glycyrrhiza L. trên thế giới có nhiều loài, phân bố ở vùng ôn đới ấm, hoặc á nhiệt đới thuộc Châu á, Châu Âu và Bắc Châu Phi. Nơi phân bố tập trung của nhiều loài là vùng Trung á, bao gồm Iran, Azecbaizan, Cazaxtan, ấn Độ, Nga, Trung Quốc và Mông Cổ. Cam thảo là cây ưa sáng, chịu được khô hạn và thời tiết khắc nghiệt. Tại vùng Trung á, ban ngày có thể nóng lên trên 40oC nhưng ban đêm hoặc mùa đông nhiệt độ xuống dưới O0C, nhưng cây vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường. Cây sống được trên nhiều loại đất, từ các loại đất nhiều chất vôi, đất cát khô cằn của vùng sa mạc cho đến loại đất bùn nhão trong các đầm hồ cạn nước. Do sống trong điều kiện khô cằn nên bộ rễ Cam thảo rất phát triển. Hầu hết các cây lâu năm, rễ đều dài trên 1m. Cam thảo thường mọc lẫn với các loài cây bụi khác, trên các bờ đất dọc bờ sông, bãi giữa sông hoặc trên các savan cây bụi ở vùng Trung á. Đôi khi thấy cây mọc lẫn trong kiểu rừng lá rộng ôn đới. Độ cao phân bố từ 2000m đến 3000m. ở một số vùng thuộc Liên Xô cũ người ta ghi nhận Cam thảo mọc gần như thuần loại hàng trăm hecta, bao gồm cả hai loài G. glabra L. và G. uralensis Fisch. Nếu khai thác đến độ sâu 0,5 đến 0,7m, có thể thu được 3 – 12,5 tấn rễ khô/ ha đối với loài G. glabra L. và 2 – 8,5 tấn rễ khô/ ha đối với loài G. uralensis Fisch. Tổng trữ lượng các loài Cam thảo ở Liên Xô cũ có tới trên 330 ngàn tấn/ năm. Hàng năm Cam thảo mọc chồi và sinh trưởng mạnh từ mùa xuân đến mùa thu. Cây ra hoa, quả nhiều, nhưng tỷ lệ nảy mầm trong hạt tự nhiên không cao. Cam thảo có khả năng tái sinh chồi rất mạnh. Phần trên mặt đất bị chặt hoặc đốt cháy nhiều lần, gốc còn lại vẫn có khả năng tái sinh được. Thậm chí khi khai thác sót những đoạn rễ nhỏ, sau vẫn còn có thể mọc lên những cây chồi mới. Cam thảo là loài cây bụi điển hình, từ một cây nhỏ ban đầu, sau vài năm đã trở thành một bụi lớn. Cam thảo được nhập vào nước ta từ Trung quốc và Liên xô trước đây vào những năm 1958 - 1960 và trồng thử ở các cơ sở nghiên cứu của viện Dược liệu (Văn Điển, Tam Đảo, Sapa và Hải Dương). Cả hai cách nhân giống hữu tính và vô tính đã được thử nghiệm. Cây sinh trưởng tốt vào mùa xuân và mùa thu, mùa đông thì rụng lá, đến mùa xuân năm sau lại tía sinh. Nhưng cây trồng từ hạt sau ba năm vẫn chưa ra hoa, cây trồng bằng thân ngầm tuy có ra hoa, nhưng hầu như không kết hạt. ở Văn Điển cây có cho hạt nhưng hạt gieo không nảy mầm. Cho đến nay, Cam thảo vẫn chưa trồng thành công ở nước ta. Có hai cách nhân giống Cam thảo - Nhân giống bằng hạt. Có tài liệu nêu cây trồng ít ra hoa ít kết hạt, hạt thường thu được từ cây mọc hoang. Điều này gây khó khăn cho sản xuất nhất là đối với vùng xa nơi có cây hoang dại. Hạt cam thảo rất dễ bị mọt, rất mẫm cảm với các chất kiềm, mặn và nhiệt. Vì vậy, hạt sau khi thu về cần được bảo quản cẩn thận. Hạt nảy mầm tự nhiên ở nhiệt độ 150C nhưng tỷ lệ nảy mầm rất thấp. Xử lý hạt băng tia X ở liều 100 đến 500rad làm tăng tỷ lện nảy mầm lên đến 60%, tăng năng suất rễ khô lên gấp hai lần và tăng hàm lượng acid glycyrrhiric lến tới 9%. ở Trung quốc, hạt được gieo vào tháng 4 hàng năm. Gieo theo rạch cách nhau 17cm. Mỗi hec ta cần gieo 300 đến 600 kg hạt. Khi cây có 7 lá thật, tỉa định cây lần cuối, giữ khoảng cách giữa các cây là 13 cm. - Nhân giống vô tính. Cam thảo còn có thể nhân giống bằng rễ, thân ngầm (rễ chính) hoặc cành giâm. Đối với cành giâm, tốt nhất dùng những đoạn có đường kính 1 -1,5cm, dài 10 -15cm, chứa ít nhất một đốt thân. Kích thước to hoặc nhỏ hơn đều ảnh hưởng không tốt đến năng suất cây trồng. Rễ hoặc thân ngầm chứa mắt ngủ có khả năng tái sinh mạnh hơn. Rễ, thân ngầm hoặc cành giâm có thể trồng thẳng ra ruộng hoặc ươm trong vườn ươm. Phương pháp sau thường đạt tỷ lệ mọc cao hơn, xấp xỉ 100%. Khi thu hoạch đào lấy rễ, xếp thành đống, để cho hơi lên men làm cho rễ có màu vàng sẫm hơn, phơi hoặc sấy khô. Rễ Cam thảo phun nước cho mềm thái phiến phơi hoặc sấy khô. Chích Cam thảo: Cam thảo phiến đem tẩm mật (cứ 1kg Cam thảo phiến, dùng 200g mật, thêm 200g nước sôi), rồi sao vàng thơm. Các saponin, flavonoid, dẫn chất coumarin, đường, tinh bột... - Glycyrrhizin là môt saponin thuộc nhóm olean, hàm lượng từ 10 – 14% trong dược liệu khô, chỉ có trong một bộ phận ở dưới mặt đất, có vị ngọt (gấp 600 lần đường saccharose). Đây là saponin quan trọng nhất của rễ cam thảo. Glycyrrhizin được Robiquet phân lập năm 1809 dưới dạng mảnh màu vàng. Glycyrrhizin tinh khiết dạng bột kết tinh trắng dễ tan trong nước nóng, cồn loãng, không tan trong ether và chloroform. Glycyrrhizin ở trong cây dưới dạng muối Mg và Ca của acid glycyrrhizic.
Dưới tác dụng của acid vô cơ, acid glycyrrhizic bị đẩy ra khỏi muối của nó. Khi thuỷ phân bằng acid thì nó cho phần aglycon là acid glycyrrhetic và 2 phân tử acid glucoronic. Acid glycyrrhetic có một OH ơ C3 (2 phân tử acid glucoronic nối vào đó), một nhóm carbonyl ở C-11 và ở C-30 là nhóm carboxyl. Glycyrrhizin trên thị trường là ammoni glycyrrhizat thu được bằng cách chiết bột cam thảo với nước rồi acid hoá để kết tủa, rửa tủa lại rồi hoà tan trong ammoniac, bốc hơi trong khay bằng mặt sẽ thu được những vẩy màu đen nhạt, bóng, tan trong nước và rất ngọt. Trong cam thảo còn có các dẫn chất triterpenoid khác như: acid liquiritic (acid này khác acid glycyrrhetic bởi nhóm carbonyl ở C-29), acid 18-a-hydroxyglycyrrhetic, acid 24- hydroxyglycyrrhetic, glabrolid, desoxy glabrolid, isoglabrolid, 24-a-hydroxyglabrolid, acid liquiridiolic, acid 11-desoxyglycyrrhetic, acid 24-hydroxy 11-desoxoglycyrrhetic. - Các flavonoid là các nhóm hoạt chất quan trọng thứ hai có trong rễ cam thảo với hàm lượng 3-4%. Có 27 chất đã được biệt, quan trọng nhất là hai chất liquiritin (hay liquiritirosid) và isoliquiritin (hay isoliquiritirosid). - Những hoạt chất estrogen steroid: phần này tan trong ether dầu hoả, khi thí nghiệm trên chuột cống đã thiến thì thấy xuất hiện những tế bào sừng trong niêm dịch âm đạo. - Những dẫn chất coumarin: umbelliferon, herniarin, liqcoumarin - Trong rễ cam thảo còn có 20 – 25% tinh bột, 3 – 10% glucose và saccharose. 4.1. Đặc điểm dược liệu
4.2. Vi học Đặc điểm vi phẫu
4.3. Hoá học A. Nhỏ dung dịch amoniac (TT) lên bột dược liệu sẽ có màu vàng tươi, thêm acid sulfuric 80% (TT) sẽ có màu vàng cam.B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng Bản mỏng: Silicagel G đã hoạt hóa ở 105oC trong 1 giờ. Dung môi khai triển: Ether dầu hỏa (điểm sôi trong khoảng 30 - 60oC) - benzen - ethyl acetat - acid acetic băng (10: 20: 7: 0,5). Dung dịch thử: Lấy khoảng 0,3 g bột dược liệu, thêm 1 ml acid hydrocloric (TT) và 20 ml cloroform (TT), đun hồi lưu trong 1 giờ, để nguội, lọc. Bốc hơi dịch chiết đến cắn, thêm vào cắn 1 ml ethanol (TT). Dung dịch đối chiếu: Lấy acid glycyrrhetic, hoà tan trong ethanol (TT) để được dung dịch có nồng độ 1 mg/ml. Nếu không có acid glycyrrhetic, dùng 0,3 g bột Cam thảo chiết như dung dịch thử. Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai xong, lấy bản mỏng ra để khô ngoài không khí, phun dung dịch acid phosphomolypdic 10% trong ethanol (TT), sấy bản mỏng ở 105oC trong 5 phút. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết có cùng màu sắc và giá trị Rf với vết acid glycyrrhetic trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu. Nếu dùng Cam thảo để chiết dung dịch đối chiếu, trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu. (Xem Sắc ký đồ dịch chiết các dược liệu chứa Saponin - Cam thảo vết 8 ảnh I, II, III) Định lượng Cân chính xác khoảng 10 g bột dược liệu vào một cốc có mỏ có dung tích 400 ml, thêm 50 ml ethanol 20% (TT), đặt lên nồi cách thủy sôi trong 30 phút. Để lắng, gạn lấy phần nước trong, chiết tiếp 2 lần nữa, mỗi lần 50 ml ethanol 20%. Tập trung dịch chiết vào cốc có mỏ có dung tích 250 ml, thêm 30 ml ethanol (TT), để yên qua đêm. Lọc lấy phần nước trong và đuổi hết ethanol trên nồi cách thủy, để nguội. Thêm 1 ml amoni hydroxyd đậm đặc, khuấy đều. Đặt tiếp vào trong nước đá đang tan trong 30 phút, ly tâm, lấy kết tủa, loại bỏ lớp nước. Thêm 10 ml ethanol (TT) vào ống ly tâm, khuấy kỹ cho tan lớp kết tủa, lọc qua giấy lọc đã tẩm ethanol, hứng dịch lọc vào một cốc đã cân bì sẵn, rửa ống ly tâm và giấy lọc với ethanol tới khi nước rửa hết màu vàng. Tập trung tất cả dung dịch ethanol, lại bốc hơi trên nồi cách thủy đến cắn, sấy cắn trong 3 giờ ở 105oC. Lấy ra để nguội trong bình hút ẩm. Cân tính kết quả.Hàm lượng acid glycyrrhetic trong dược liệu khô kiệt không được dưới 6%. Tác dụng: - Tác dụng gây trấn tĩnh, ức chế thần kinh trung ương, giảm vận động tự nhiên, hạ thể nhiệt, giảm hô hấp. - Tác dụng giảm ho - Tác dụng giải co thắt cơ trơn - Chữa loét đường tiêu hoá, ức chế tác dụng gây tăng tiết dịch vị của histamin. - Bảo vệ gan trong viêm gan mạn tính và tăng bài tiết mật. - Chống viêm gan và chống dị ứng - Tác dụng oestrogen - Chữa bệnh addison và trong cam thảo có acid glycyrrhizic cấu tạo gần như cortison nên có tác dụng trên sự chuyển hoá các chất điện giải, giữ Natri và clorid trong cơ thể, giúp sự bài tiết kali. Tác dụng giải độc, chứng minh Natri glycyrrhizat có hiệu lực chống lại tác dụng các chất gây độc trên tim, đồng thời kích thích cơ tim giống Adrenalin. Natri và kali glycyrrhizat có tác dụng giả độc mạnh đối với độc tố của bạch hầu, chất độc của cá, lợn, nọc rắn đồng thời có tác dụng bảo vệ chống choáng. Glycyrrhizin có khả năng giải độc đối với strychnin, độc tố uốn ván, cocain hydroclorid và cloral hydrat. - Ngoài ra, Cam thảo còn có tác dụng lợi tiểu, chữa táo bón, chữa một số bệnh về da. Dùng thời gian dài có thể gây phù. Công dụng Cam thảo sống được làm thuốc chữa cảm, ho mất tiếng, viêm họng, mụn nhọt, đau dạ dày, ỉa chảy, ngộ độc. Cam thảo chích có tác dụng bổ, chữa tỳ vị hư nhược, ỉa lỏng, thân thể mệt mỏi, kém ăn. Ngàydùng 4 - 20g dưới dạng bột, thuốc hàm, nước sắc và cao mềm. Ngày nay do nghiên cứa khoa học, Cam thảo còn có 2 công dụng: - Chữa bệnh loét dạ dày và ruột, tác dụng giảm loét, giảm co thắt cơ, giảm tiết acid hydrocloric. Ngày uống 3 - 5g, uống liền 7 - 14 ngày, sau đó nghỉ vài ngày để trành phù nề. - Chữa bệnh Addison, mỗi ngày uống 10 - 30 ml cao lỏng Cam thảo, uống liền 1 tháng hay hơn. Hiện tượng phù nhẹ do thuốc sẽ mất đi sau khi ngừng dùng thuốc. - Về mặt thực vật dược liệu Cam thảo có thể là rễ (08. Cam thảo1) hoặc thân rễ (08. Cam thảo1), một số tài liệu có lưu ý về vấn đề này. - Y học dân gian dùng một số cây mang tên Cam thảo: Cam thảo dây (Abrus precatorius L.), Cam thảo đất (Scoparia dulcis L.), chú ý tránh nhầm lẫn. Một số bài thuốc 1. Chữa hư lao, ho lâu ngày. Cam thảo nướng 120 g tán bột, uống mỗi lần 4g, này uống 3 - 4 lần (Nam dược thần hiệu) 2. Chữa loét dạ dày. - Thuốc Kavet: Cao cam thảo 0,03g; bột cao thảo 0,1g; Natri bicarbonat 0,15g; Magnesi carbonat 0,20g; bismuth nitrat basis 0,05g; bột đại hoàng 0,02g; tá dược vừa đủ 1 viên. Liều dùng 2-4 viên mỗi lần, ngày uống 2-3 lần. - Dùng trực tiếp Cam thảo: Cao cam thảo 2 phần, nước cất 1 phần, hoà tan. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa cafe. Không uống liên tục quá 3 tuần lễ. 3. Chữa cảm sốt cao phát điên cuồng, trúng độc, mụn nhọt. Cam thảo tán nhỏ, cho vào đầy 1 ống tre đã cạo hết lớp tinh tre bên ngoài. Bịt kín 2 đầu bằng nhựa thông. Đến mùa đông cắm cả ống tre đó vào hố phân người, đến ngày lập xuân, lấy ra rửa sạch, bổ ống tre lấy cam thảo phơi khô tán nhỏ. Mỗi lần uống 1-2 g. 4. Chữa mụn nhọt, ngộ độc. Dùng cao mềm cam thảo. Ngày uống 1-2 thìa cafe. 7. Tài liệu tham khảoBài giảng Dược liệu Tập I - 1998. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt nam Tập I. - NXB khoa học và kỹ thuật - 2004. Dược điển Việt Nam III. Nguyễn Viết Thân - Kiểm nghiệm dược liệu bằng phương pháp hiển vi - NXB khoa học và kỹ thuật- 2003. ------------------------------------------------------- Mọi thông tin liên quan đến trang web Xin vui lòng liên hệ theo số điện thoại 01234195602 hoặc theo địa chỉ Email: thannv@hup.edu.vn Revised: February 09, 2017 . |